Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Chuyển đổi nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội: Người mua nhà vẫn thiệt thòi


Vay vốn để mua nhà ở xã hội vẫn xa vời với người dân

Ảnh:Hoàng Long


Đáng buồn, theo ghi nhận, phần lớn những dự án xin chuyển đổi đều là những dự án đang trong quá trình xây dựng dở dang, do gặp khó về vốn nên tạm ngừng triển khai, chỉ một số ít đã hoàn thành nhưng không có đầu ra.


Chuyển đổi mô hình sang nhà ở xã hội, theo ý kiến đánh giá của Bộ Xây dựng là việc làm đúng đắn, mang đến làn sóng mới cho thị trường BĐS, hướng tới điều chỉnh sự lệch pha cung cầu trên thị trường, giúp người dân có nhu cầu thực sự tăng cơ hội được sở hữu nhà.


Thế nhưng, với diễn biến thị trường, không khó hiểu khi ông Nguyễn Văn Đực - PGĐ Công ty địa ốc Đất Lành tỏ ra đầy nghi ngờ khi nhận định về con số gần 50 dự án muốn chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Theo ông Đực, việc chuyển đổi này, trước mắt chỉ có lợi cho chủ đầu tư cần vay vốn để thi công. "Việc có gần 50 dự án chuyển đổi là quá bất thường, tại sao trước đây không làm? Trong 30.000 tỷ chỉ có khoảng 9.000 tỷ đồng cho DN thì đang có tới gần 50 dự án xâu xé. Rõ ràng, mục đích chính của DN hiện nay là hướng tới vay vốn, bất chấp có thể bán ra thị trường hay không, bất chấp nhà ở đó có đáp ứng nhu cầu thực tế hay không” - ông Đực nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, việc cho chuyển đổi các dự án cần được làm rõ, bao nhiêu dự án thực sự chuyển đổi, bao nhiêu dự án hướng tới nguồn vốn kích cầu. Không phải vô cớ mà ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đã cảnh báo, nên có gói riêng hỗ trợ nhà ở xã hội, vì mục đích của hơn 9.000 tỷ đồng chỉ hướng tới giải quyết hàng tồn kho BĐS theo tinh thần NQ 02.


Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc chuyển đổi hàng tồn kho phải căn cứ sản phẩm cuối cùng có phù hợp thị trường không từ diện tích tới thị trường. Sản phẩm không phù hợp thì có chia ra bán, chuyển đổi cũng khó có thể đi đến đâu.


Đặc biệt, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay vẫn là cần xem xét kỹ hơn khả năng mua nhà của người dân. Cơ chế hiện nay lại chưa đáp ứng được nhu cầu của người mua nhà. Các quốc gia trên thế giới luôn gắn liền sự phát triển lĩnh vực BĐS với vật liệu xây dựng và các lĩnh vực khác, tạo một cơ chế cho vay BĐS thông thoáng. Trong đó, người dân được vay vốn với lãi suất rất thấp, thời hạn kéo dài 20-30 năm, có thể chấm dứt hợp đồng vay vốn trước thời hạn khi có nhu cầu, chỉ cần trả một mức phí nhất định.


Còn tại Việt Nam, kỳ hạn 10 năm quá ngắn, người dân có khả năng mất nhà nếu không thanh toán đúng kỳ. Do đó, Chính phủ nên hướng tới tạo nguồn tín dụng cho người mua nhà thông qua việc thành lập một tổ chức tín dụng cho vay mua nhà với lãi suất 3-4% trong 20 - 30 năm. Đồng thời, hỗ trợ DN về tiền thuế đất, chi phí xây dựng để hạ giá nhà ở.

Nguyễn Nga