Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

"Sống ở Mỹ nhưng trái tim anh ấy ở Việt Nam"

"Sợi dây" liên kết quê nhà

Trần Thắng sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở Quảng Ngãi, là cháu ngoại nhà thơ Tế Hanh. Năm 1991, lúc vừa tròn 20 tuổi, anh theo gia đình sang Mỹ định cư. Học và tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí của trường Đại học Connecticut, sau đó Trần Thắng được Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney tuyển dụng làm việc từ năm 1999 đến nay.

Kỹ sư Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, Chủ tịch và sáng lập Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York - người đã dành nhiều thời gian và tâm sức sưu tập hơn 150 bản đồ cổ phương Tây khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Công việc cứ cuốn anh đi, nhưng chưa bao giờ anh quên những năm tháng ở quê nhà. Để như một sợi dây liên kết, từ khi còn là sinh viên Thắngtham gia nhiều công việc xã hội như: Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Connecticut (năm 1995), thành lập Tổng hội Sinh viên Việt Nam vùng New England (gồm 6 tiểu bang, năm 2006…

Suốt 12 năm qua, kỹ sư Trần Thắng đi lại như con thoi giữa Mỹ và Việt Nam để tổ chức gần 100 cuộc hội thảo về du học tại Mỹ, với sự giúp đỡ từ kinh nghiệm của hàng trăm người Mỹ gốc Việt. Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam cũng đã tổ chức gần 50 sự kiện khắp nước Mỹ để giới thiệu về âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền, mỹ thuật, văn học, chiếu phim tài liệu và phim truyện Việt Nam.

Được Giáo sư Trần Văn Khê "tiếp lửa" thêm cho sức mạnh để theo đuổi việc trao đổi văn hóa, Trần Thắng đã sáng lập tạp chí "Nhịp sống" làm cầu nối cho những người con xa quê. Sức hấp dẫn của tiếng Việt, của Đất Mẹ đã nhanh chóng thu hút những người con xa xứ suốt từ số đầu tiên ra mắt năm 1996. Trong 12 năm sáng lập và điều hành có không dưới 50.000 người đã đọc các số của tạp chí "Nhịp sống".

"Dù sống ở đâu, tôi có nghĩa vụ giữ gìn đất nước"

Cho đến tháng 7.2012, một lần vào mạng đọc báo và biết câu chuyện TS Mai Hồng -Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Phả học Việt Nam trao tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tấm bản đồ "Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ", Trần Thắng đã nảy sinh ý tưởng sưu tầm bản đồ về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Anh bắt tay làm từ tháng 8.2012.

"Tôi nghĩ rằng, ở trong nước có những bản đồ Việt Nam và nhà Thanh (Trung Quốc) được dư luận đánh giá cao bởi giá trị lịch sử, pháp lý thì ở nước ngoài mình sưu tập bản đồ phương Tây để bổ sung vào tư liệu. Trong vòng 5 tháng, tôi đã sưu tập được 150 bản đồ với tuổi đời kéo dài từ năm 1618 tới năm 2008. Những bản đồ này do trên 100 nhà xuất bản ở 7 quốc gia như Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nga phát hành. Trong bộ sưu tập này, có rất nhiều bản đồ của Trung Quốc giới hạn biên giới phía Nam là đảo Hải Nam và nhiều bản đồ Việt Nam hoặc của khu vực châu Á thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam", Trần Thắng nói.

Nhiều nhà nghiên cứu về Biển Đông cho rằng, nếu các tranh chấp biển đảo được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế, bộ sưu tập bản đồ của Trần Thắng có thể được dùng làm bằng chứng lịch sử để phản bác các đòi hỏi của Trung Quốc. Còn ông Carlyle A. Thayer - một chuyên gia về Biển Đông nói: "Những bản đồ từ bộ sưu tập của Trần Thắng chứng minh những giá trị lịch sự đặc trưng trong những tuyên bố ngày nay. Chúng cho thấy những trái ngược trong tuyên bố của Trung Quốc về "chủ quyền không thể chối cãi".

Theo Trần Thắng, tất cả những bản đồ đó anh mua qua mạng Internet. "Mỗi khi tìm thấy ở đâu có bán bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam, tôi cảm thấy vui và trong lòng rất phấn chấn. Trong quá trình sưu tập bản đồ, tôi phát hiện 3 cuốn sách bản đồ toàn tập (Atlas), là "Atlas Trung Quốc địa đồ" (xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh) và 2 cuốn "Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ" do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản năm 1919, tái bản năm 1933 bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp". Giá của bản đồ cũng rất đa dạng, có cái chỉ vài USD nhưng cũng có chiếc lên đến hàng ngàn USD. Dù lúc đầu cũng tốn khá nhiều tiền để mua bản đồ cổ và Atlas, nhưng theo Trần Thắng, trở ngại lớn nhất với anh không phải từ tiền bạc mà chính là thời gian. "Tôi dồn nhiều tâm sức để tìm kiếm rồi thẩm định tên tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản, tỷ lệ, kích thước bản đồ. Trong quá trình này, tôi cũng hỏi kinh nghiệm một số người Mỹ từng bán bản đồ cho mình cách thẩm định bản đồ cổ", Trần Thắng chia sẻ.

Anh vừa có mặt tại Hà Nội tham gia cuộc triển lãm "Bản đồ và tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam. Sau cuộc trò chuyện với tôi dưới chân Cột cờ Hà Nội, Trần Thắng bảo, anh phải ra sân bay để quay trở về Mỹ. Mải miết với công việc và những chuyến đi, 42 tuổi, chàng trai gốc Quảng Ngãi vẫn độc thân, ngày ngày đi về sống cùng bố mẹ ở West Hartford, bang Connecticut. Và trong nhà anh, tiếng Việt vẫn được sử dụng thường xuyên như một cách nuôi dưỡng mạch ngầm với Đất Mẹ.

Theo ĐĐK