Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Tiến thoái lưỡng nan!


Đã chót sa chân…


Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã phải thừa nhận rằng, rất khó thoái vốn được trong tình cảnh thị trường chứng khoán suy giảm, bất động sản đóng băng… Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang rất ỳ ạch đối với "nhiệm vụ” này. Cho dù EVN không thừa nhận hẳn ra như PVN, song trên thực tế, ai cũng có thể nhận thấy rằng, việc thoái vốn ngoài ngành của EVN cũng gặp tình cảnh tương tự PVN. Lý do là bởi, Bộ Công thương (cơ quan chủ quản của EVN) đã đưa ra yêu cầu tập đoàn này phải bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn tự huy động; tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác…


Và chính yêu cầu này khiến dư luận quan ngại, làm sao EVN có thể bảo toàn được vốn nhà nước, bởi theo các chuyên gia kinh tế, rao bán cổ phần ở thời điểm này, tìm được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính đã khó chứ chưa nói đến việc họ có thể mua các tài sản trên ngang với giá ban đầu.


Như vậy, lý do đã quá rõ, việc các DNNN, các tập đoàn, Tổng công ty không thể thực hiện được thoái vốn vì đã chót sa chân vào thì rút ra thật khó, mà rút ra để đảm bảo yêu cầu của Chính phủ - không bị lỗ - lại càng khó hơn.


Thoái vốn để làm sao vẫn đảm bảo vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước, thực sự là rất khó đối với hầu hết các DNNN, tập đoàn, tổng công ty hiện nay chứ không riêng gì PVN.


"Bảo toàn” hay chịu lỗ?


Thực tế này rõ ràng đang buộc các "đại gia” đã từng một thời "làm mưa làm gió” trên các "mặt trận”: ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nói chính xác hơn, các DNNN, tập đoàn, tổng công ty hiện giờ chỉ có một con đường là phải lùi, nhưng lùi làm sao để không "phạm” quy quả thực vô cùng khó. Nhất là khi, trong các quy định đưa ra, còn có quy định về trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đây chính là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất khiến các "ông lớn” đang ở tình thế như… ngồi trên lửa.


Một số DNNN mới đây đã công bố thông tin về việc thoái vốn. Cụ thể, tháng 8-2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bán đấu giá hơn 25 triệu cổ phần tại Ngân hàng An Bình. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đến năm 2015, sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Ngân hàng Đại Dương (khoảng 20% vốn điều lệ hiện nay)…

Suy cho cùng, đến thời điểm này, nếu vẫn để các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty ở vào tình thế đi không được, bỏ không xong, thì tốt hơn hết, theo nhiều chuyên gia lĩnh vực kinh tế, nên chăng, Chính phủ cần xem lại quy định đối với việc thoái vốn ngoài ngành. Bởi, nếu đặt ra mục tiêu bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn nguồn vốn Nhà nước thì e rằng sẽ là điều không thể trong tình hình nền kinh tế vẫn đang rơi vào tình trạng suy thoái như hiện nay. Và như vậy, câu hỏi được đặt ra: Lựa chọn nào sáng suốt hơn: Chấp nhận lỗ để sử dụng được vốn ngay hay cứ để đó mong được "bảo toàn vốn” và cuối cùng chẳng làm được gì? Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét lại quy định về việc quy trách nhiệm hình sự đối với các lãnh đạo DNNN nếu làm thất thoát vốn. Bởi, chính quy định này đang khiến các nhà lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty rơi vào tình thế "tim đập chân run” vì lúc nào cũng nơm nớp lo rằng sẽ phải vào tù ngồi bóc lịch vì đã "lỡ” làm thất thoát vốn của Nhà nước. Đôi khi việc thất thoát vốn chỉ là do hoàn cảnh khách quan, có thể lãnh đạo trước đã trót đầu tư ra ngành bất động sản, hay ngân hàng vì thời điểm đó họ thấy hợp lý, và cũng chưa bị cấm đoán, nhưng nếu vì như vậy mà quy trách nhiệm hình sự cho lãnh đạo sau để rồi buộc họ phải lĩnh án hình sự thì thực sự là bất hợp lý - giới chuyên gia nhận định

M.Phương