Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Hiểm họa nổ pin

 Số vụ cháy nổ các thiết bị công nghệ ngày càng tăng lên, trong khi đó người tiêu dùng không biết làm thế nào để bảo vệ mình. 

Theo các chuyên gia công nghệ, hiện nay đa số các thiết bị di động sử dụng pin theo chuẩn Lithium-ion (Li-ion) hay Lithium-Polymer (Li-Po) và loại pin này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu công nghệ hiện nay. Điều này tiềm ẩn ngày càng nhiều nguy cơ cháy nổ, gây tổn thương nghiêm trọng cho người dùng.

 Mang họa khi để điện thoại trong túi  

Chị Ngọc Trân, một người sử dụng điện thoại ở quận 6, vẫn còn tá hỏa cho biết cách đây khoảng hai tháng, chị dùng chiếc điện thoại MQ loại cảm ứng giá dưới 1 triệu đồng. Trong một lần đi đường, chiếc điện thoại của chị Trân bất ngờ kêu xì rất lớn. Chị lấy máy ra khỏi túi quẳng ra ngoài thì ốp lưng điện thoại bung ra và pin văng ra ngoài. Sau đó pin bị phù lên bốc khói và hư hỏng hoàn toàn. Mặc dù chị không bị thương vong, thế nhưng sự việc trên khiến chị hết hồn.

Những trường hợp như chị Trân bắt đầu trở thành thực trạng đáng phải lưu tâm. Trước đó, trên diễn đàn công nghệ voz, một thành viên tên Huân cũng lâm vào trường hợp điện thoại cháy pin tương tự với chiếc điện thoại iPhone 2G mua từ Singapore, cũng may mắn là anh này để điện thoại trên bàn làm việc.

 

 

 Cháy nổ pin ngoài gây thiệt hại về tài sản còn có thể gây bỏng nặng cho người dùng. 

Không chỉ ở Việt Nam, các vụ việc ở các nước ngoài thì vấn nạn nổ điện thoại không còn là chuyện hiếm, mới đây một cô gái trẻ 18 tuổi người Thụy Sĩ tên là Fanny Schletter bị nổ chiếc điện thoại Samsung Galaxy S3 khi đang để trong túi quần đã gây xôn xao dư luận. Vụ nổ đã khiến cho chiếc Galaxy S3 của Fanny cháy rụi, viên pin bị phồng rộp và ắt thiết bị đều bám xỉ đen. Nguy hiểm hơn là do để điện thoại trong túi quần nên vụ nổ làm cho ắt phần đùi của Fanny bị bỏng và phải băng bó hoàn toàn.

Hồi tháng 3 năm ngoái, một cậu bé học sinh ở Gwangju (Hàn Quốc) cũng đã bị thương khá nặng sau khi chiếc điện thoại Galaxy S2 phát nổ trong túi quần. Thậm chí có cả trường hợp chết người, đơn cử như vụ nổ pin điện thoại Nokia 1209 khiến anh Gopal Gujjar, người Ấn Độ, thiệt mạng khi đang đàm thoại vào năm 2010.

 Người dùng cần tự bảo vệ 

Theo ThS Dương Minh Trí, Viện Vật lý TP.HCM, thực tế với công nghệ pin hiện nay là Lithium thì các vấn đề cháy nổ phải nói là hiện tượng bình thường. nguyên nhân là chất lượng các loại pin này không đáp ứng về công nghệ, các dòng pin này khi sử dụng quá nóng sẽ dễ cháy nổ. Hiện tại, ngoại trừ chính các nhà sản xuất, người dùng thông thường không có giải pháp nào để xác định lỗi của các dòng pin này. Tốt nhất người dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng các loại pin tốt và không sử dụng thiết bị khi quá nóng.

Hiện tượng cháy nổ nguyên nhân phần lớn xuất phát từ việc sử dụng cuộc gọi quá lâu khiến pin phải làm việc lâu dài, lúc này pin điện thoại sẽ lâm vào tình trạng quá tải. Một nguyên nhân khác là do quá trình sử dụng không đúng cách, đơn cử như sạc không đúng dẫn đến pin bị phồng, nếu tiếp tục sử dụng pin có thể bị nổ. Đặc biệt là việc dùng các loại pin hay các cục sạc kém chất lượng giá rẻ từ Trung Quốc cũng dễ gây ra thảm họa.

Theo một số lời khuyên, để tránh rủi ro pin nổ khi dùng các thiết bị di động, người dùng nên thay pin sau ba năm sử dụng để tránh hiện tượng phân rã quá mức an toàn. Nên sử dụng pin và phụ kiện sạc chính hãng, không dùng pin của bên thứ ba hay pin có dấu hiệu hư hỏng. Đáng chú ý nhất là người sử dụng điện thoại không nên đàm thoại khi đang sạc pin, cầm để điện thoại cách xa người, nhất là không để trong túi quần.

 Thảm họa công nghệ mới 

Thời gian gần đây, các nhà sản xuất máy tính xách tay lớn như Apple, HP, Toshiba, Lenovo và Dell đã phải thu hồi lượng máy lớn sau một số vụ cháy pin. Riêng Apple bị thiệt hại nặng nhất do phải thu hồi 1,8 triệu iBook và PowerBook sau khi có chín vụ được thông báo về cháy nổ. Gần đây nhất, hãng bán lẻ nổi tiếng Best Buy đã thu hồi khoảng 5.100 mẫu pin dòng pin do ATG sản xuất để thay thế trong MacBook Pro do lo ngại có thể gây ra cháy nổ.

 NHƯ VŨ